Ghé thăm làng dệt thổ cẩm Lùng Tám-Hà Giang
Dọc theo những con dốc phủ sương, dựa lưng vào núi, phía đối diện là con sông tạo thành một thung lũng đẹp giữa núi đá. Khi tiến vào trong trung tâm xã, có thể thấy từ xa sự xuất hiện của những người con vùng sơn cước, từ các bà các chị ngồi bên khung dệt cho đến nhất là những cô gái với đôi má ửng hồng đang trên đường thu lanh về đan sợi hay đứng ngay từ ngoài sân phơi những tấm thổ cẩm vừa hoàn thiện thật đẹp, đẹp lỗng lẫy tựa như những bông tam giác mạch của mảnh đất Hà Giang.
Dưới những bàn tay điệu nghệ của các bà các chị ấy mà những sợi cây lanh tưởng chừng không có tác dụng sau một thời gian được ngâm và tuốt thành từng sợi nhỏ, qua thêm hai công đoạn nữa là hấp đến mềm, sau cuối đem nhuộm màu từ những nguyên liệu hết sức dân dã trong tự nhiên như lá chè, lá ổi hay củ nâu … đã biến thành những sợi vải vô cùng rực rỡ.
Những sợi lanh được vuốt từng chút một, cắt đến từng sơi cho bong ra, dắt bên người các bà các chị khắp mọi nơi từ đi nương, đi chợ , đi chơi hay ngồi bên đếp lửa hồng, đưa được đường thoi cũng mất cả phút hết sức kỳ công chưa kể vẽ sáp ong và thêu hoa văn trên thân. Khâu lựa chọn sáp ong cũng quan trọng cực kỳ, sáp ong dùng phải được lựa chọn tỷ mẩn, phải sạch, trong, nung chảy rồi vẽ trực tiếp lên vải sau để một thời gian vừa đủ mới được giặt. Có lẽ vì sự công phu cũng như sự tập chung đầy tâm sức như vậy mà những chiếc áo váy luôn giữ được rất lâu bền.
Nói đến những bộ trang phục thổ cẩm Lùng Tám càng không thể không nhắc tới những đường nét hoa văn trang trí. Tay áo được đắp hay thêu vải màu những hình đặc trưng của người Mông như thiên nhiên cây cỏ, con vật … Nhất là các trang phục trong bộ lễ như áo váy cô dâu cần thiết phải đẹp và sặc sỡ thì công sức của người làm cũng không nhỏ như thường là vài năm trời để hoàn thiện tất cả các công đoạn từ chọn đất trồng lanh, lựa cây, chăm bón, thu hoạch, dệt và khâu thành chiếc váy với những nếp váy chồng nhau, nhịp theo bước chân xập xòe như con bướm khắp núi đồi mùa xuân trong ngày đẹp nhất cuộc đời.
Với các sản phẩm hàng hóa như vỏ chăn, khăn trải bàn, áo, váy, túi thổ cẩm… người ta đến với Hà Giang ghé Lùng Tám giờ đây không chỉ để thăm quan mà còn thưởng thức nét văn hóa thủ công cổ truyền từ thời xưa để lại. Chính những sản vật ấy đã góp phần để đưa người dân trong chính bản mình xóa đói giảm nghèo với nghề.
Càng ngày , làng dệt thổ cẩm Lùng Tám càng phát triển vươn xa, vươn rộng ra không chỉ từ du lịch trong nước mà còn du lịch nước ngoài, sự phát triển của Lùng Tám như mùa xuân đem hy vọng, khao khát đang về với bản, như sắc xuân ngập tràn trên những đỉnh núi, vờn quanh những cây mơ, cây mận tô điểm cho cao nguyên đá và cho những người dân mong ước được làm giàu bằng chính đôi tay của mình.