Chiêm ngưỡng tác phẩm ruộng bậc thang Mù Cang Chải
Ruộng bậc thang Mù Cang Chải như những đợt “sóng vàng” uốn lượn khắp sườn đồi, lớp nọ gối tiếp lớp kia bất tận, trải rộng trên diện tích khoảng 3.500ha. Trong đó, 500ha phân bố tại 3 xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Xu Phình (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) đã được công nhận Di tích Danh thắng cấp quốc gia từ năm 2007. Tour du lịch Mù Cang Chải ngày càng thu hút được nhiều du khách.
Nằm ở sườn Tây Nam của dãy Hoàng Liên Sơn, có độ cao trung bình trên 1000m so với mực nước biển, ruộng bậc thang Mù Cang Chải chính là thành quả hội tụ các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Mông ở vùng cao. Những kinh nghiệm lâu đời và sự sáng tạo của họ được thể hiện rõ nét từ việc lựa chọn vùng đất, tới quá trình khai khẩn công phu, hình thành nên phương thức canh tác nông nghiệp kết hợp nhuần nhuyễn giữa nương rẫy và ruộng nước.
Do địa hình dốc lớn, các thửa ruộng bậc thang Mù Cang Chải có chiều ngang hẹp, nên độ chênh từ thửa ruộng trên với thửa ruộng dưới chỉ từ 1m đến 1.5m, trong khi đòi hỏi mặt bằng ruộng và nguồn nước ngâm chân lúa phải đồng đều, sao cho khi có nước vào thì mỗi bậc thang đều cân bằng. Vì vậy, khi san ruộng, người Mông dùng cuốc bướm cào thành bờ đất, dùng chân dẫm và dùng gáy cuốc đập mạnh để nén chặt bờ, tạo ra các đường vân mềm mại.
Các điểm đón nước cho ruộng bậc thang Mù Cang Chải được lấy từ các nguồn khe phía trên, nếu cần vượt qua những điểm trũng thì người Mông dùng cây to bổ đôi, khoét ruột làm máng dẫn nước. Việc sẻ nước từ bờ trên xuống bờ dưới cũng theo cách không nối liền mạch (tức là thửa đầu sẻ ở đầu bờ, thì thửa dưới phải sẻ ở giữa bờ, thửa kế tiếp sẻ ở cuối bờ) nhằm hạn chế tối đa khi có mưa lũ tạo dòng chảy mạnh gây vỡ bờ và rửa trôi hết độ màu của đất.
Và để tạo sự đồng mức cho từng mảnh ruộng, người Mông dùng nước làm thành một đường cân bằng, chỗ gồ ghề thì dùng cuốc bướm cào bằng thêm, chỗ cao thì san bớt lên bờ, vì vậy các thửa ruộng quanh quả đồi đều có mực nước và độ cao giống nhau, tạo thành các bậc thang đều khắp núi đồi…
Những công việc này được tiếp nối từ thế hệ này qua thế hệ khác, dần phát triển thành một vùng ruộng bậc thang Mù Cang Chải rộng lớn tựa như tuyệt tác nghệ thuật quanh đồi núi. Những “mâm xôi vàng”, “mâm xôi xanh” hiện lên kỳ vĩ giữa bạt ngàn núi rừng Tây Bắc như để dâng lên trời đất, và thể hiện cuộc sống ấm no của đồng bào. Ngoài Mù Cang Chải, đi Du lịch Y Tý Bát Xát Lào Cai mùa lúa chín cũng là lựa chọn của rất nhiều Du khách.